Showing posts with label Học Chơi Cờ Tướng. Show all posts
Showing posts with label Học Chơi Cờ Tướng. Show all posts

63 ĐIỀU YẾU LĨNH TRONG CỜ TƯỚNG

63 ĐIỀU YẾU LĨNH TRONG CỜ TƯỚNG
(muốn thành cao thủ, không thể không nắm vững)
1. 2 sĩ khuyết tượng ngại pháo công, 2 tượng khuyết sĩ sợ tốt đâm
2. Nhất xa thập tử hàn
3. quân chết không vội ăn
4. khi có tốt sang sông phải chú ý:
- Có quân khác phốt hợp trợ công (xe, pháo mã) để chiếm được vị trí có lợi
- chiếm cứ yếu điểm toàn cục, không tùy tiện hi sinh
5. điểm quan trọng trong việc tranh tiên khi bố cục:
- Khiến đối phương đi vào vị trí như ban đầu (bị lặp lại nước đi)
- Thúc ép đối phương đi những nước kém hiệu quả (giảm bớt hiệu quả)
- Quấy nhiễu ý đồ bày trận của đối phương, hoặc tạo thành thế trận vô vị, đối phương không có nước hay để đi
6. khi mã ăn tốt 7 của địch, điểm quan trọng nó có thể uy hiếp tiếp theo là mắt tượng và thần tào.
7. Khi mở tốt biên có 3 điểm sử dụng
- Áp chế mã biên của đối phương
- Có thể nâng xe lên giữ tốt đầu
- Mở đường lên mã (M3. 1 rồi M1. 3 đứng đầu tượng)
8. Yếu lĩnh của pháo tuần hà
- không gấp lên sỹ, để tránh bị nhòm tượng
- Cùng với xe và tốt phối hợp
- Chú ý đối phương phá hoại căn mã ở dưới rồi dùng nước bắt trói.
9. Yếu lĩnh của mã bàn hà
- chống xe kị hà của kẻ địch đuổi bắt
- chú ý pháo kị hà của địch dùng độ tốt qua sông làm ngòi đuổi bắt
- chú ý pháo kị hà của địch mượn tốt bên mình làm ngỏi đuổi bắt
10. Khi đối thủ dùng pháo ăn tốt biên
- Phải phòng chống nó đâm pháo giác (treo tượng biên hoặc mang pháo ra cản nó…)
- Nếu nó đâm giác, phải dùng xe mã (hoặc xe mã tượng) phối hợp để vây bắt hoặc xua đuổi (dù là mã biên hay mã trong đều phải cố phát huy chức năng này)
11. Nước cờ chỉ có một tác dụng “nước thủ” hay “nước công” đều có hiệu quả hạn chế, phải tìm nước cờ “trong thủ có công”, hoặc “trong công có thủ”
12. Nước cờ có ý đồ lộ rõ ràng thường không dễ thành công, nên làm quen cách đi kín đáo và sâu sắc.
13. Trung cục pháo lợi hơn mã, tàn cục mã lợi hơn pháo.
14. Khi trung lộ hết khả năng đột phá, nên nghĩ chuyện di dời pháo đầu.
15. Khi chiếm tiên thủ (quyền chủ động) nên tránh đổi quân chủ lực tiến công.
16. Xe không đứng nơi hiểm địa
17. Cần chú ý tình thế sau khi đổi quân hoặc ăn quân, ăn quân mà mất tiên không phải là hay
18. thứ tự ưu tiên của các giá trị trong ván cờ: Sát cục-Thế lực-Tiên thủ-Quân
19. Phương hướng suy nghĩ tính toán trong cờ tướng
- Tìm nước đi hay cho bên mình
- Cản trở nước đi hay của đối phương
20. Sĩ chớ lên bừa, tốt không tiến vội, quân kị chỗ kẹt
21. Khi có 3 quân gần cung tướng giặc, chú ý tìm sát cục, thậm chí thí quân tạo sát
22. Pháo tai sĩ nổ sĩ đáy của đối phương nếu đúng thời cơ rất hiệu quả
23. Công việc tính toán nước cờ cơ bản như sau:
- Dụng ý của đổi phương đi nước cờ vừa rồi định làm gì?
- Nước tiếp theo đối phương muốn đi gì?
- Lựa chọn các đối phó của bên mình: Phá hoại mưu kế địch, không cho thực hiện ý định hay là tương kế tựu kế, giả vờ cho đối thủ thi triển kế hoạch?
- Lúc nào cũng phải suy nghĩ vấn đề toàn cục
24. Bố cục đi sau phải biết phân tích nước cờ của đối phương vừa đi
- nếu là nước hay, hay ở chỗ nào? Có thể cản trở cách nào hay? Có thể vừa mượn việc phòng thủ nước cờ đó rồi thừa cơ tấn công không?
- Nếu là nước yếu, yếu như thế nào? Có thể trừng phạt được không? Hay nó lại là một cái bẫy?
25. Khi mã lộ 7 bị đối phương dùng xe đè, phải nghĩ chuyện:
- dùng quân để giữ (như cao xa bảo mã, xe tai sĩ giữ mã, hay dùng pháo giữ mã, thoái mã cung giữ mã) rồi dùng pháo đuổi (đuổi ngang để bắt chết xe, đuổi dọc để mở đường mã lên)
- có thể bỏ mã để xe địch hãm chỗ xấu không? Có thể phóng pháo qua hà để đè vào bắt đôi xe-tượng đối phương không?
26. Xe của ta bị pháo địch đuổi bắt, phải nghĩ:
- Khi chạy đi có tiên thủ nào không? Đuổi quân, dọa sát
- Chạy pháo chặn để đấu pháo được không?
- Chạy khỏi chỗ hiểm trước đã.
27. Khi tốt đầu mã bị đối phương mở đè, phải lưu ý
- Tránh đổi xe, nếu bị đổi xe thì cờ tàn gặp khó
- Nên tranh thủ dùng xe đấu các lộ tốt bị đè
28. Mã ở vị trí tượng ngũ, có thể phòng các nước chiếu mã của địch
29. Mã quỳ có thể phòng thủ, giữ sĩ hiệu quả.
30. Trước khi đổi quân phải nghĩ
- Hình cờ sau khi đổi quân
- Không lấy quân cờ vì trí đẹp đổi quân cờ vị trí xấu, không đổi quân cờ còn có thể chạy với quân cờ đã hết đường chạy, không đổi quân lớn lấy quân bé.
31. Chú ý nước tiên “giả”
32. Xe chiếm được hàng tốt lúc cờ tàn, thứ tự ăn tốt cũng cần tính kĩ.
33. Khi cờ tàn đối phương khuyết 2 sĩ thích hợp công băng xe mã, có thể dờn dứ ăn nhiều tốt, biến nguy cơ thành thời cơ
34. 2 mã 1 pháo thông thường phối hợp tốt hơn 1 mã 2 pháo
35. Xe pháo mã thông thương phối hợp tốt hơn xe 2 pháo, còn xe 2 pháo lại hay hơn xe 2 mã.
36. Đối với quân xe đối phương cản mắt tượng bên mình:
- phải rút pháo về đuổi để trừ nguy, sau có tiến đâu thì tiến
- thiết kế cạm bẫy nhốt xe địch để dùng pháo bắt, hoặc dùng mã tai sĩ khóa
37. Khi đối sát không vội vàng, đè nén phải chặt chẽ, không được đi nước mềm yếu.
38. đối với mã biên của đối phương, có thể phối hợp xe và pháo để cản tượng bắt chết
39. tùy lúc chú ý xem các đòn dưới đây có thể thực hiện hay không:
- Bỏ quân chiếm thế
- Bỏ trước lấy sau
- Đổi xe lấy pháo mã
- Bỏ quân để độ tốt qua sông
- Khi bị chiếu tướng xem có phản chiếu được hay không.
40. Khi mã thần tào bị gác sĩ cản, có thể chuyển hướng bằng cách tiến lên hoa pháo rồi đáp góc lại chiếu được.
41. Đối phương sử dụng xe để giữ mã (hoặc pháo), lại đem pháo khác ra đuổi xe ta:
- mang pháo của ta chặn phía trước xe, để thêm ngòi và nhòm ngược lại pháo địch
- mang quân khác của ta ra bắt lại xe địch (pháo bắn, tốt ghẹ…hoặc nhảy mã bắt) khiến xe của đối phương phải thôi giữ mã (hoặc pháo)
42. Mã đối phương ăn tốt 3 hoặc tốt 7 nguyên vị của ta, có thể dùng tượng treo lên hà để khóa mã đó của địch.
43. Quân bị đối phương đuổi chưa chắc đã nên chạy, thử xem:
44. mã lẻ qua sông, một pháo đơn độc đều không nên việc gì
45. Khi dựa vào quân giữ (căn) để đấu quân, phải chú ý căn đó có an toàn không? Có khi đối phương ăn quân rồi mới rõ là không đấu được (mà là mất luôn) ví dụ trong trường hợp 4 xe nhìn nhau chẳng hạn
46. Có mấy thủ pháp có thể vận dùng tùy trường hợp:
- Thất tinh kiếm
- Mã nhập cung (chuyển hướng, giữ tượng đáy, giằng mã bắt xe, ngầm khóa xe địch…)
- Pháo ống (quá cung pháo, địch pháo…chỉnh hình, giải thoái khiên chến, phản khiên chế)
47. Khi đã giằng khóa quân đối phương, phải chú ý tránh đối phương mượn việc bị giằng khóa mà tháo ra để chiếu, dọa sát bắt ngược lại quân mình.
48. Khi xe mượn thế pháo đầu (hoặc pháo ống) để ăn tượng (tức là vào hiểm địa) phải phòng trường hợp đối phương dùng xe hủy pháo.
49. Cờ tàn pháo hoàn, khi ta có pháo đừng vội ăn sỹ tượng quân địch
50. Tùy lúc phải lưu ý tác dụng đột biến của pháo tai sĩ bên ta lẫn bên địch để mà ngăn chặn hoặc phát huy tác dụng.
51. Xe nấp sau mã hoặc pháo, trông tưởng vụng về thực ra biết dùng lại rất khéo.
52. Có lúc lại xuất hiện và tồn tại những vị trí tưởng nguy hiếm hóa ra rất an toàn, theo quy luật và định kiến thông thường thì không thể tiến vào, nhưng xem xét kĩ sẽ thấy là nơi đắc địa, phải lưu ý đừng bỏ lỡ.
53. Nhiều khi trông tưởng có căn, thực tế vô căn hoặc không đủ sức giữ, cần lưu ý.
54. 10 kĩ xảo trong trung cục cần nắm vững: chuyển hướng, chiếu bắt quân, đuổi, đổi quân, Giằng khóa, Ngăn chặn, đè bắt, mở đường, Thí quân, sát cục, ngoài ra lại có nước dừng, nước dờn dứ.
55. Quân 2 bên giao chiến, kẻ dũng cảm sẽ thắng
56. Nước hiểm của xe và mã, xe chiếm hàng ngang dọc, mã khống chế điểm quan trọng
57. Khi tính toán nước cờ, không chỉ chú ý độ sâu, mà phải chú ý độ rộng nữa
58. Đầu tiên tính nháp, sau lại tính kĩ, kị nhất đi liền tay
59. Phải chú ý phòng thủ củng cố bên mình trước, tiếp theo tìm cách gia cường áp lực đối với quân địch, nhịp độ tiến công thong thả được thì tốt, tuân thủ quy luật (tử-quân, tiên-nước tiên thủ, thế-thế lực, sát đã nói ở trên (số 18) được như thế thì thế nào cũng đạt cục diện có lợi.
60. Nguyên tắc bố cục:
- Ra các quân lớn thật nhanh: đường xe phải thông, đường mã phái thoáng, pháo đừng nổ bừa
- Khống chế các quân lớn của đối phương xuất động
- Chú ý các quân lớn phải giữ liên lạc và phối hợp
61. Các vấn đề cần chú ý trong giai đoạn bố cục
- Đi cờ cần đạt hiệu suất (mục tiêu phải rõ ràng, đừng có đi một quân nhiều lần quá, chú ý tác dụng đè địch thoáng ta)
- Không nhất thiết thì tránh lên sĩ tượng nhiều
- Tránh hiện tượng chồng chéo che tắc lẫn nhau
- Chớ tham ăn quân hoặc tham đưa tốt qua sông
- Chớ ăn quân mà mất tiên
- Mã chớ tiến bừa
- Cần chiếm được đường hoặc điểm quan trọng toàn cục
- Lưu ý bỏ quân mà tranh được tiên
- Chú ý tính chất nguy hiểm hay đắc dụng của địa điểm
- Mở rộng không gian hoạt động bên mình, đè nén không gian hoạt động bên địch.
62. Đối với pháo tai sĩ của đối phương (ngũ lục pháo, phản cung mã. . ) phải xem xét: Dùng xe hoành theo dõi, đuổi bắt-sau lại dùng mã hoặc pháo truy đổi lợi dụng phá hoại trận địch.
63. Nhưng vị trí hẻo lánh mà linh hoạt cần biết:
- Xe: xe khuất, xe 9 tiến 2, xe 9 tiến 3, xe 9 bình 2, đại xuất xa (?)
- Mã: Mã cung, Mã 3 tiến 1 rồi mã 1 tiến 3 (đáp đầu tượng)
- Pháo: tiến pháo(pháo 8 tiến 1, pháo 8 tiến 3) lùi pháo (pháo 5 thoái 1, pháo 8 thoái 1, pháo 7 thoái 1)

QUI TẮC CỦA NGƯỜI HỌC CỜ

Phẩm chất cờ

1. Tập an tĩnh: trước ván cờ, ngồi vững chắc, quân đi nhẹ, chớ thành tiếng
2. Tập lễ phép: trong ván cờ, cần lễ độ, đánh cờ xong, cất như cũ
3. Giữ quy tắc: quân đen trước, quân trắng sau, lần lượt đi, không thay đổi
4. Tập ung dung: chưa tới lượt, vẫn ngồi vững, đến lượt mình, ung dung bước.
5. Tập công bằng: người xem cờ, không can dự, người đánh cờ, tự mình chơi.
6. Tập không hoãn: nghĩ kĩ càng, mau quyết đoán, nếu ân hận, khó chơi cờ
7. Trọng dụng cụ: người yêu cờ, tất kính cờ, đồ chơi cờ, nên quý báu.
8. Tâm bình tĩnh: thắng không kiêu, bại không nản, mạnh không sợ, yếu không khinh.


Cải thiện thái độ


1. Tự tin: Có lòng tin, sẽ ung dung, không nhầm lẫn, dễ thành công.
2. Lạc quan: Thắng với bại, nên vui vẻ, có tiến bộ, nói lời hay.
3. Tập trung: Khi học hỏi, tâm nhãn đến, lúc đánh cờ, ngồi ngay ngắn.
4. Kiềm chế: Khi đắc ý, hình chẳng quên, khi nguy hiểm, tâm chẳng loạn.
5. Nỗ lực: Gặp cao thủ, chiến dũng cảm, có ý chí, không khó khăn.
6. Cầu tiến: Xưa ta yếu, nay đã mạnh, càng nỗ lực, mạnh thêm sáng.
7. Biết ơn: Ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ta tiến bộ, công mọi người.
8. Vui khoái: Ba người đi, tất có thầy, người có tốt, mới được vui.
9. Hợp tác: bàn cờ nhỏ, đất trời to, nhìn đại cục, hiểu tổng quát.
10. Nhã nhặn: ngồi thẳng thắn, tay đi nhẹ, có phong độ, người người khen.

Sửa tính cách

1. Ngay thẳng: nên kính cờ, giữ công bằng, học đạo cờ, được nhân phẩm.
2. Tự lập: đã chơi cờ, nên tự lập, chẳng nhờ người, được tính quý.
3. Rõ ràng: muốn thắng cờ, phải rõ ràng, nếu tập trung, sẽ thấy hết.
4. Chăm chỉ: cờ muốn tiến, phải chăm chỉ, luyện tập nhiều, được tiến bộ.


Sáng trí
1. Sức suy nghĩ: xem thời thế, luận thần cơ, cách nghĩ cờ, thật có ích
2. Sức nhớ dai: tập theo mẫu, bày hình cờ, cách nhớ cờ, dùng nhiều chỗ
3. Sức tưởng tượng: Gió gặp mây, rồng vờn hổ, hình của cờ, biến vô cùng
4. Biết Văn-Sử: xương Quan Công, nhà Tạ Công*, sử với cờ, vẫn liên quan


Rõ nghĩa
1. Liên tưởng: Đem cờ so, thông trăm nhà, hiểu ngàn người, rõ cổ kim.
2. Ý nghĩa chung: đem cờ giảng, có biện chứng, đạo rõ lẽ, lẽ rõ nghề
3. Cảnh giới: cảch giới cờ, tâm bình thường, sẽ nhẹ nhàng, bỏ thắng thua
4. Mục đích: chơi cờ để, hiểu xã hội, yêu nhân sinh, được tu dưỡng
PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN CỜ TƯỚNG

PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN CỜ TƯỚNG


I. KHAI CUỘC:


       Cần đi từ cái cơ bản đến nâng cao. Nghĩa là, chúng ta cần lựa chọn những cuộc đi tiên và đi hậu chúng ta thích rồi chúng ta tìm các tài liệu nghiên cứu trận đó. Ví dụ: Đi tiên chọn Pháo đầu (trung pháo) thì chúng ta cần nghiên cứu những thế trận cơ bản về Pháo đầu đối Bình phong mã, Pháo đầu đối Phản cung mã. Pháo đầu đối Đơn đề Mã, Pháo đầu đối Thuận pháo v. v. . .
     Chúng ta cần nắm những trận hình cơ bản của những trận đồ đó. Đối với những bạn mới tập chơi hay công lực còn yếu thì các bạn đừng nên đi sâu vào cuộc nào mà các bạn chỉ cần biết phân biệt được thế trận. Từ từ các bạn nắm được những diễn biến của thế trận thông qua quá trình cọ xát và thi đấu cũng như nguồn tài liệu phục vụ cho thế trận đó.

       Chúng ta cũng cần nắm vững một nguyên tắc cốt lõi trong khai cuộc là XUẤT ĐỘNG NHANH CÁC QUÂN CHỦ LỰC VÀ CỐ GẮNG TẠO RA MỘT TRẬN HÌNH THÔNG THOÁNG, khi gặp một cuộc nào chúng ta chưa nghiên cứu thì chúng ta phải nhớ đến nguyên tắc trên. Không dùng một quân đi nhiều nước mà quên xuất động các quân chủ lực. Không để cho các quân co cụm lại với nhau. Cố gắng dàn trải quân đều ở 2 cánh.Dần dần, khi chúng ta đã quen với nhiều hình thế khai cuộc thì chúng bắt đầu chuyển sang giai đoạn nâng cao. Nghĩa là. chúng ta đi sâu vào những biến mà chúng ta thích. Dùng các công cụ bổ trợ như tài liệu, soft, các ván đấu của các cao thủ . . . nhằm mục đích nắm vững một vài phương án trong khai cuộc.

        Khái niệm bố cục phi đao xuất hiện khi chúng ta đã chắc chắn nắm được một phương án nào đó và chúng đi một nước cờ khác thường lệ (gọi là đòn phi đao) và với nước cờ này, chúng ta chắc chắn rằng đối thủ sẽ bị bất ngờ và để có được đòn phi đao đòi hỏi chúng ta đầu tư sâu nhằm tìm ra những cái mới.


II. TÀN CUỘC:

      Bất kỳ cái gì cũng tuân theo quy tắc từ cơ bản dến nâng cao, từ thấp đến cao và từ bài bản đến sáng tạo. Chúng ta cần luyện tàn cuộc song song với khai cuộc. Tàn cuộc có thể được phân ra làm 2 loại:

    TÀN CUỘC THỰC DỤNG: nghĩa là những loại hình tàn cuộc phổ thông. Là những hình cờ được phân định thắng, hoà, thua một cách rõ ràng. Chúng ta có khái niệm “thắng kho” hay “kho thắng” cũng xuất phát từ nguyên nhân là chưa nắm rõ được 1 loại hình tàn cuộc nào đó. Ví dụ: Mã thắng Sĩ, Pháo Sĩ thắng song Sĩ, Pháo Chốt cao có Sĩ Tượng thắng Sĩ Tượng toàn . . . mà nếu như không có học hỏi thì chúng ta không giành được thắng lợi. Do đó, nghiên cứu tàn cuộc thực dụng có một vai trò to lớn trong việc nâng cao công lực tàn cuộc.

    TÀN CUỘC THỰC CHIẾN: là những loại hình tàn cuộc có sự đối kháng cao. Ví dụ: Xe Mã Chốt vs Xe Mã Chốt, Pháo Mã Chốt vs Pháo Mã Chốt . . . đây là những loại hình tàn cuộc đòi hỏi phải có một nội công tàn cuộc thâm hậu và phải có bản lĩnh cao. Một số gợi ý cho các bạn rèn luyện nhằm nâng cao phần tàn cuộc thực chiến là nghiên cứu những ván đấu tàn cuộc của những người có trình độ cao, tập giải cờ thế, và sử dụng soft để hoá giải những hình cờ khó (phần này xem vai trò của soft ở dưới).


III. TRUNG CUỘC:

      Tôi đưa trung cuộc thành phần cuối trong rèn luyện 3 giai đoạn là có chủ đích của tôi. Sau khi luyện đạt đến mức cơ bản thì chúng ta luyện trung cuộc. Có những nguyên tắc rèn luyện trung cuộc như không vội vàng đánh nhanh thắng nhanh, không tham ăn quân khi bị thất thế, không phế quân khi chưa đoạt thế, đánh người phải nhìn lại mình, đánh trước phải ngó sau . . . là những nguyên tắc mang tính chất nền tảng trong trung cuộc. Không có tài liệu nào dạy về trung cuộc nhưng có những nguyên tắc và có những kỹ thuật trong cuộc.

       Điều này phụ thuộc nhiều và khả năng hấp thụ của từng kỳ thủ cũng như tinh thần chịu khó và sự kiên nhẫn của mỗi người. Điều quan trọng là khi chúng ta đánh xong ván cờ thì chúng ta phải ghi nhớ ván cờ đó và kiếm người trình độ cao hơn mình hay soft để phân tích lại ván cờ. Thông qua phân tích chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm và hạn chế sai lầm trong những lần sau. Chúng ta cần học hỏi những đòn chiến thuật trung cuộc thông qua những ván đấu của những kỳ thủ có trình độ cao hơn chúng ta. Cần tránh thái độ chểnh mản, lười biếng suy nghĩ khi gặp những hình cờ khó đòi hỏi những nước đi chính xác. Từ bỏ thói quen khi đối phương đi cờ thì mình bốc cờ lên đi liền. Cần cố gắng đoán ý đồ của đối phương. Cố gắng lập ra một kế hoạch cụ thể trong giai đoạn trung cuộc. Cần đánh giá tình thế và có những sách lược phù hợp với tình hình.


IV. TÀI LIỆU:

       Khi mới tập chơi hay trình độ cờ còn yếu thì chúng ta kiếm những tài liệu như Mai Hoa Phổ, Quất Trung Bí, Phản Mai Hoa . . . để xem nhằm học được những đòn chiến thuật và chúng ta có thể áp dụng được những đòn chiến thuật đó trong thực chiến. Khi trình độ đã đạt ngưỡng trung bình, chúng ta cần tìm kiến những tài liệu chuyên sâu như khai cuộc chuyên sâu (viết về một loại hình khai cuộc nào đó), kỹ thuật trong trung cuộc, các loại sách về tàn cuộc.
       Đa phần tôi thấy các bạn thường luyện cờ trên máy thì chúng ta cần luyện cờ trên CCBridge, trong đó có những tài liệu về khai cuộc, trung cuộc, tàn cuộc rất hay (nếu anh em nào cần thì tôi sẽ gửi những tài liệu qua pm). Nguồn tài liệu trên mạng cực kỳ phong phú và có rất nhiều dạng nhưng phổ biến nhất là các định dạng của TQ (do TQ biên soạn tài liệu mà ) đọc bằng CCBridge hay một vài chương trính khác (như dạng CHM, UVI. . . ) hay những chương trình dạng PDF cũng phổ biến.


V. SOFT:

       Có nhiều người luyện cờ quá phụ thuộc vào soft mà họ không biết luyện cái gì, hay luyện như thế nào. Dẫn đến những bạn có soft nhưng công lực không cải thiện được nhiều do thiếu đi định hướng, kế hoạch. Mình xin nói ra một vài pưuơng pháp sử dụng soft trong luyện tập cờ như sau:
- Dùng soft đánh trên các trang cờ: mục tiêu là học hỏi những kỹ thuật sử lý của soft dần dần hấp thụ và nâng cao công lực.
- Sử dụng soft để tìm ra những phương án mới. Đi theo lối khai cuộc thông thường rồi ngay tại một nước nào đó đặt ra câu hỏi: TẠI SAO KHÔNG ĐI NƯỚC NÀY có thể nước cờ bạn thắc mắc nó là một đòn phi đao! Nhìn chung, vai trò của soft trong luyện tập khai cuộc là rất lớn và đã có rất nhiều phương án mới được tạo ra thông qua soft.
- Sử dụng soft luyện tàn cuộc: đều này cần ở các bạn một sự kiên nhẫn. Khi cảm thấy yếu loại hình tàn cuộc nào đó, các bạn cứ đưa soft xử lý vì nguyên tắc tính điểm của soft là dựa vào giái trị của quân (thế và lực của quân) ví dụ, các bạn đưa hình cờ Pháo Mã Chốt vs Pháo Mã Chốt bất kỳ vào soft và xem cách đánh giá của soft, các bạn có thể đánh với soft nhằm nâng cao công lực. Cố gắng luyện cờ tàn với soft nhiều một khoảng thời gian sau công lực tàn cuộc của bạn sẽ tăng lên.

TRÊN ĐÂY LÀ TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP CỜ TƯỚNG. MONG CÁC BẠN CÙNG BÀN LUẬN NHẰM TÌM RA NHỮNG HƯỚNG ĐI MỚI TRONG PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP NHẰM PHỤC VỤ CHO VIỆC NÂNG CAO CÔNG LỰC CỦA CHÚNG TA.