Showing posts with label Lý Luận Cờ. Show all posts
Showing posts with label Lý Luận Cờ. Show all posts

TÂM LÝ HỌC TRONG CỜ TƯỚNG


     Tâm lý học trong cờ – một lĩnh vực nghiên cứu có tính thời sự song tương đối mới mẻ. Sự cần thiết phân tích diễn biến tâm lý của vận động viên cờ xuất phát từ bản chất đối kháng của con người trên bàn cờ.Chúng ta đều rõ, phần lớn các thế cờ xuất hiện trong ván đấu chỉ mang tính chất “vấn đề tạm thời”, có nghĩa là một cách giải quyết mạnh nhất hoặc duy nhất đúng có thể không tìm ra được
(vì không phải chúng luôn có), và vì thế, việc chọn lựa nước đi phụ thuộc vào chính những đặc thù cá nhân của người chơi cờ: kinh nghiệm, kiến thức, tính cách, lối chơi, khả năng đánh giá đối phương v.v…
        Từ đây suy ra rằng trình độ của đối thủ, mục tiêu họ tiến tới, kết hợp với sự tự lượng sức mình một cách đúng đắn cho phép người chơi cờ có thể đoán biết được hướng diễn biến có thể của ván cờ và từ đó chọn lựa cho mình phương hướng tác chiến đúng đắn. Điều này còn có nghĩa là để đạt được thành tích, người chơi cờ không những chỉ nắm vững lý thuyết và kỹ thuật chơi, mà cần có kỹ năng đánh giá ưu nhược điểm trong lối chơi và tính cách của đối thủ cũng như đánh giá khách quan chính bản thân mình. Đưa các yếu tố tâm lý vào việc đánh giá tình huống – chính vì vậy – là điều kiện cần thiết để chơi cờ có hiệu quả. A. Alekhin đã nhấn mạnh:
“Tôi cho rằng, những yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành tích, thứ nhất, hiểu được mặt mạnh và yếu trong sức chơi của mình; thứ hai, đánh giá chính xác mạnh yếu của đối phương. Trước đây chúng ta chơi cờ để chống lại các quân cờ, còn ngày nay, chúng ta chống lại con người cụ thể với ý chí, thần kinh, cũng như những đặc thù cá nhân họ, không loại trừ ngay cả những vinh quang mà họ có”.
      Thật tiếc, ngày nay nhiều vận động viên cờ có quan niệm sai lầm về việc phủ nhận vai trò của tâm lý học trong cờ, biểu hiện ở hai thái cực đối lập nhau. Những người đại diện quan niệm cho rằng chỉ tồn tại vấn đề lý thuyết cờ “thuần túy” là thứ cần thiết duy nhất cho thi đấu. Đặc tính, cũng như khẩu vị cá nhân của đối phương không đáng đáng để quan tâm trong việc lựa chọn các quyết định.
Ngược lại, thông qua ván đấu và lời bình luận của nhiều danh nhân cờ, vai trò nghiên cứu tâm lý đối thủ thể hiện sáng chói, mang lại những thắng lợi hiệu quả bất ngờ.
Thí dụ, khi bình một ván cờ A. Alekhin đã giải thích tại sao ông lại chọn nước cờ này chứ không phải nước cờ khác: “Tôi lựa chọn chính nước đi này không phải vì nó mạnh hơn các nước khác, tôi thực sự muốn lái thế cờ theo xu hướng phức tạp về chiến thuật, vì đối thủ của tôi tương đối kém tự tin trong phòng thủ”. Điều tiên đoán của Alekhin đã thành sự thực. Ván cờ kết thúc khá nhanh.
       Cũng không kém phần sai lầm ở thái cực ngược lại – quá phóng đại vai trò của các đấu pháp mang tính tâm lý. Những tiểu xảo tâm lý chỉ có thể có tác dụng trong một số ít trường hợp cá biệt, tuyệt nhiên không thể đóng vai trò hoàn hảo trong mọi trường hợp. Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng phương pháp tiếp cận có tính tâm lý – trên thực tế – được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết khách quan về các nguyên lý chiến lược và chiến thuật cờ.
     Thật sai làm khi áp dụng những tiểu xảo tâm lý trong ván cờ chỉ để “dọa nạt” hay “làm rối trí” đối phương. Tất nhiên, cần kiên trì tìm kiếm những quyết định tốt nhất cho thế cờ, song không được quên rằng, những quyết định đó phải chứa đựng sự đánh giá đúng đắn về đối phương cũng như về chính bản thân mình. Cờ cũng như nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống con người, luôn luôn tồn tại hai mặt song song – khách quan và chủ quan. Người chơi cờ không được phép để cho hai mặt này đối lập nhau, hoặc coi trọng mặt này mà coi nhẹ mặt khác. Chỉ những con người sống áp dụng các nguyên lý và quy luật lý thuyết, hơn nữa, chính các nguyên nguyên lý và qui luật này lại do lao động con người sáng tạo ra.
       Cần nhấn mạnh rằng, trên thực tế, mỗi người chơi cờ là một nhà tâm lý – tuy rằng đôi khi chính anh ta cũng không ý thức được điều đó.
Ngày nay, phần lớn các tay cờ trình độ cao đều hiểu rõ ý nghĩa và vai trò to lớn của vấn đề tâm lý và tự giác áp dụng những nhân tố này trong sự nghiệp của mình. Thật thú vị khi nghe câu chuyện của Đại kiện tướng O. Romanhisin nói về đấu pháp yêu thích nhằm tác động tâm lý lên đấu thủ của mình:
Thí Tốt, đôi khi là vũ khí tác động tâm lý không tồi. Chỉ là tâm lý thôi vì nhượng bộ chút ít vật chất không thể làm mất cân bằng trong thế cờ. Hơn nữa, thật kỳ lạ, nhiều lúc đối thủ bỗng nhiên bị rơi vào tình trạng nặng nề của “tâm lý hơn Tốt”.

Nguồn:Internet

63 ĐIỀU YẾU LĨNH TRONG CỜ TƯỚNG

63 ĐIỀU YẾU LĨNH TRONG CỜ TƯỚNG
(muốn thành cao thủ, không thể không nắm vững)
1. 2 sĩ khuyết tượng ngại pháo công, 2 tượng khuyết sĩ sợ tốt đâm
2. Nhất xa thập tử hàn
3. quân chết không vội ăn
4. khi có tốt sang sông phải chú ý:
- Có quân khác phốt hợp trợ công (xe, pháo mã) để chiếm được vị trí có lợi
- chiếm cứ yếu điểm toàn cục, không tùy tiện hi sinh
5. điểm quan trọng trong việc tranh tiên khi bố cục:
- Khiến đối phương đi vào vị trí như ban đầu (bị lặp lại nước đi)
- Thúc ép đối phương đi những nước kém hiệu quả (giảm bớt hiệu quả)
- Quấy nhiễu ý đồ bày trận của đối phương, hoặc tạo thành thế trận vô vị, đối phương không có nước hay để đi
6. khi mã ăn tốt 7 của địch, điểm quan trọng nó có thể uy hiếp tiếp theo là mắt tượng và thần tào.
7. Khi mở tốt biên có 3 điểm sử dụng
- Áp chế mã biên của đối phương
- Có thể nâng xe lên giữ tốt đầu
- Mở đường lên mã (M3. 1 rồi M1. 3 đứng đầu tượng)
8. Yếu lĩnh của pháo tuần hà
- không gấp lên sỹ, để tránh bị nhòm tượng
- Cùng với xe và tốt phối hợp
- Chú ý đối phương phá hoại căn mã ở dưới rồi dùng nước bắt trói.
9. Yếu lĩnh của mã bàn hà
- chống xe kị hà của kẻ địch đuổi bắt
- chú ý pháo kị hà của địch dùng độ tốt qua sông làm ngòi đuổi bắt
- chú ý pháo kị hà của địch mượn tốt bên mình làm ngỏi đuổi bắt
10. Khi đối thủ dùng pháo ăn tốt biên
- Phải phòng chống nó đâm pháo giác (treo tượng biên hoặc mang pháo ra cản nó…)
- Nếu nó đâm giác, phải dùng xe mã (hoặc xe mã tượng) phối hợp để vây bắt hoặc xua đuổi (dù là mã biên hay mã trong đều phải cố phát huy chức năng này)
11. Nước cờ chỉ có một tác dụng “nước thủ” hay “nước công” đều có hiệu quả hạn chế, phải tìm nước cờ “trong thủ có công”, hoặc “trong công có thủ”
12. Nước cờ có ý đồ lộ rõ ràng thường không dễ thành công, nên làm quen cách đi kín đáo và sâu sắc.
13. Trung cục pháo lợi hơn mã, tàn cục mã lợi hơn pháo.
14. Khi trung lộ hết khả năng đột phá, nên nghĩ chuyện di dời pháo đầu.
15. Khi chiếm tiên thủ (quyền chủ động) nên tránh đổi quân chủ lực tiến công.
16. Xe không đứng nơi hiểm địa
17. Cần chú ý tình thế sau khi đổi quân hoặc ăn quân, ăn quân mà mất tiên không phải là hay
18. thứ tự ưu tiên của các giá trị trong ván cờ: Sát cục-Thế lực-Tiên thủ-Quân
19. Phương hướng suy nghĩ tính toán trong cờ tướng
- Tìm nước đi hay cho bên mình
- Cản trở nước đi hay của đối phương
20. Sĩ chớ lên bừa, tốt không tiến vội, quân kị chỗ kẹt
21. Khi có 3 quân gần cung tướng giặc, chú ý tìm sát cục, thậm chí thí quân tạo sát
22. Pháo tai sĩ nổ sĩ đáy của đối phương nếu đúng thời cơ rất hiệu quả
23. Công việc tính toán nước cờ cơ bản như sau:
- Dụng ý của đổi phương đi nước cờ vừa rồi định làm gì?
- Nước tiếp theo đối phương muốn đi gì?
- Lựa chọn các đối phó của bên mình: Phá hoại mưu kế địch, không cho thực hiện ý định hay là tương kế tựu kế, giả vờ cho đối thủ thi triển kế hoạch?
- Lúc nào cũng phải suy nghĩ vấn đề toàn cục
24. Bố cục đi sau phải biết phân tích nước cờ của đối phương vừa đi
- nếu là nước hay, hay ở chỗ nào? Có thể cản trở cách nào hay? Có thể vừa mượn việc phòng thủ nước cờ đó rồi thừa cơ tấn công không?
- Nếu là nước yếu, yếu như thế nào? Có thể trừng phạt được không? Hay nó lại là một cái bẫy?
25. Khi mã lộ 7 bị đối phương dùng xe đè, phải nghĩ chuyện:
- dùng quân để giữ (như cao xa bảo mã, xe tai sĩ giữ mã, hay dùng pháo giữ mã, thoái mã cung giữ mã) rồi dùng pháo đuổi (đuổi ngang để bắt chết xe, đuổi dọc để mở đường mã lên)
- có thể bỏ mã để xe địch hãm chỗ xấu không? Có thể phóng pháo qua hà để đè vào bắt đôi xe-tượng đối phương không?
26. Xe của ta bị pháo địch đuổi bắt, phải nghĩ:
- Khi chạy đi có tiên thủ nào không? Đuổi quân, dọa sát
- Chạy pháo chặn để đấu pháo được không?
- Chạy khỏi chỗ hiểm trước đã.
27. Khi tốt đầu mã bị đối phương mở đè, phải lưu ý
- Tránh đổi xe, nếu bị đổi xe thì cờ tàn gặp khó
- Nên tranh thủ dùng xe đấu các lộ tốt bị đè
28. Mã ở vị trí tượng ngũ, có thể phòng các nước chiếu mã của địch
29. Mã quỳ có thể phòng thủ, giữ sĩ hiệu quả.
30. Trước khi đổi quân phải nghĩ
- Hình cờ sau khi đổi quân
- Không lấy quân cờ vì trí đẹp đổi quân cờ vị trí xấu, không đổi quân cờ còn có thể chạy với quân cờ đã hết đường chạy, không đổi quân lớn lấy quân bé.
31. Chú ý nước tiên “giả”
32. Xe chiếm được hàng tốt lúc cờ tàn, thứ tự ăn tốt cũng cần tính kĩ.
33. Khi cờ tàn đối phương khuyết 2 sĩ thích hợp công băng xe mã, có thể dờn dứ ăn nhiều tốt, biến nguy cơ thành thời cơ
34. 2 mã 1 pháo thông thường phối hợp tốt hơn 1 mã 2 pháo
35. Xe pháo mã thông thương phối hợp tốt hơn xe 2 pháo, còn xe 2 pháo lại hay hơn xe 2 mã.
36. Đối với quân xe đối phương cản mắt tượng bên mình:
- phải rút pháo về đuổi để trừ nguy, sau có tiến đâu thì tiến
- thiết kế cạm bẫy nhốt xe địch để dùng pháo bắt, hoặc dùng mã tai sĩ khóa
37. Khi đối sát không vội vàng, đè nén phải chặt chẽ, không được đi nước mềm yếu.
38. đối với mã biên của đối phương, có thể phối hợp xe và pháo để cản tượng bắt chết
39. tùy lúc chú ý xem các đòn dưới đây có thể thực hiện hay không:
- Bỏ quân chiếm thế
- Bỏ trước lấy sau
- Đổi xe lấy pháo mã
- Bỏ quân để độ tốt qua sông
- Khi bị chiếu tướng xem có phản chiếu được hay không.
40. Khi mã thần tào bị gác sĩ cản, có thể chuyển hướng bằng cách tiến lên hoa pháo rồi đáp góc lại chiếu được.
41. Đối phương sử dụng xe để giữ mã (hoặc pháo), lại đem pháo khác ra đuổi xe ta:
- mang pháo của ta chặn phía trước xe, để thêm ngòi và nhòm ngược lại pháo địch
- mang quân khác của ta ra bắt lại xe địch (pháo bắn, tốt ghẹ…hoặc nhảy mã bắt) khiến xe của đối phương phải thôi giữ mã (hoặc pháo)
42. Mã đối phương ăn tốt 3 hoặc tốt 7 nguyên vị của ta, có thể dùng tượng treo lên hà để khóa mã đó của địch.
43. Quân bị đối phương đuổi chưa chắc đã nên chạy, thử xem:
44. mã lẻ qua sông, một pháo đơn độc đều không nên việc gì
45. Khi dựa vào quân giữ (căn) để đấu quân, phải chú ý căn đó có an toàn không? Có khi đối phương ăn quân rồi mới rõ là không đấu được (mà là mất luôn) ví dụ trong trường hợp 4 xe nhìn nhau chẳng hạn
46. Có mấy thủ pháp có thể vận dùng tùy trường hợp:
- Thất tinh kiếm
- Mã nhập cung (chuyển hướng, giữ tượng đáy, giằng mã bắt xe, ngầm khóa xe địch…)
- Pháo ống (quá cung pháo, địch pháo…chỉnh hình, giải thoái khiên chến, phản khiên chế)
47. Khi đã giằng khóa quân đối phương, phải chú ý tránh đối phương mượn việc bị giằng khóa mà tháo ra để chiếu, dọa sát bắt ngược lại quân mình.
48. Khi xe mượn thế pháo đầu (hoặc pháo ống) để ăn tượng (tức là vào hiểm địa) phải phòng trường hợp đối phương dùng xe hủy pháo.
49. Cờ tàn pháo hoàn, khi ta có pháo đừng vội ăn sỹ tượng quân địch
50. Tùy lúc phải lưu ý tác dụng đột biến của pháo tai sĩ bên ta lẫn bên địch để mà ngăn chặn hoặc phát huy tác dụng.
51. Xe nấp sau mã hoặc pháo, trông tưởng vụng về thực ra biết dùng lại rất khéo.
52. Có lúc lại xuất hiện và tồn tại những vị trí tưởng nguy hiếm hóa ra rất an toàn, theo quy luật và định kiến thông thường thì không thể tiến vào, nhưng xem xét kĩ sẽ thấy là nơi đắc địa, phải lưu ý đừng bỏ lỡ.
53. Nhiều khi trông tưởng có căn, thực tế vô căn hoặc không đủ sức giữ, cần lưu ý.
54. 10 kĩ xảo trong trung cục cần nắm vững: chuyển hướng, chiếu bắt quân, đuổi, đổi quân, Giằng khóa, Ngăn chặn, đè bắt, mở đường, Thí quân, sát cục, ngoài ra lại có nước dừng, nước dờn dứ.
55. Quân 2 bên giao chiến, kẻ dũng cảm sẽ thắng
56. Nước hiểm của xe và mã, xe chiếm hàng ngang dọc, mã khống chế điểm quan trọng
57. Khi tính toán nước cờ, không chỉ chú ý độ sâu, mà phải chú ý độ rộng nữa
58. Đầu tiên tính nháp, sau lại tính kĩ, kị nhất đi liền tay
59. Phải chú ý phòng thủ củng cố bên mình trước, tiếp theo tìm cách gia cường áp lực đối với quân địch, nhịp độ tiến công thong thả được thì tốt, tuân thủ quy luật (tử-quân, tiên-nước tiên thủ, thế-thế lực, sát đã nói ở trên (số 18) được như thế thì thế nào cũng đạt cục diện có lợi.
60. Nguyên tắc bố cục:
- Ra các quân lớn thật nhanh: đường xe phải thông, đường mã phái thoáng, pháo đừng nổ bừa
- Khống chế các quân lớn của đối phương xuất động
- Chú ý các quân lớn phải giữ liên lạc và phối hợp
61. Các vấn đề cần chú ý trong giai đoạn bố cục
- Đi cờ cần đạt hiệu suất (mục tiêu phải rõ ràng, đừng có đi một quân nhiều lần quá, chú ý tác dụng đè địch thoáng ta)
- Không nhất thiết thì tránh lên sĩ tượng nhiều
- Tránh hiện tượng chồng chéo che tắc lẫn nhau
- Chớ tham ăn quân hoặc tham đưa tốt qua sông
- Chớ ăn quân mà mất tiên
- Mã chớ tiến bừa
- Cần chiếm được đường hoặc điểm quan trọng toàn cục
- Lưu ý bỏ quân mà tranh được tiên
- Chú ý tính chất nguy hiểm hay đắc dụng của địa điểm
- Mở rộng không gian hoạt động bên mình, đè nén không gian hoạt động bên địch.
62. Đối với pháo tai sĩ của đối phương (ngũ lục pháo, phản cung mã. . ) phải xem xét: Dùng xe hoành theo dõi, đuổi bắt-sau lại dùng mã hoặc pháo truy đổi lợi dụng phá hoại trận địch.
63. Nhưng vị trí hẻo lánh mà linh hoạt cần biết:
- Xe: xe khuất, xe 9 tiến 2, xe 9 tiến 3, xe 9 bình 2, đại xuất xa (?)
- Mã: Mã cung, Mã 3 tiến 1 rồi mã 1 tiến 3 (đáp đầu tượng)
- Pháo: tiến pháo(pháo 8 tiến 1, pháo 8 tiến 3) lùi pháo (pháo 5 thoái 1, pháo 8 thoái 1, pháo 7 thoái 1)

QUI TẮC CỦA NGƯỜI HỌC CỜ

Phẩm chất cờ

1. Tập an tĩnh: trước ván cờ, ngồi vững chắc, quân đi nhẹ, chớ thành tiếng
2. Tập lễ phép: trong ván cờ, cần lễ độ, đánh cờ xong, cất như cũ
3. Giữ quy tắc: quân đen trước, quân trắng sau, lần lượt đi, không thay đổi
4. Tập ung dung: chưa tới lượt, vẫn ngồi vững, đến lượt mình, ung dung bước.
5. Tập công bằng: người xem cờ, không can dự, người đánh cờ, tự mình chơi.
6. Tập không hoãn: nghĩ kĩ càng, mau quyết đoán, nếu ân hận, khó chơi cờ
7. Trọng dụng cụ: người yêu cờ, tất kính cờ, đồ chơi cờ, nên quý báu.
8. Tâm bình tĩnh: thắng không kiêu, bại không nản, mạnh không sợ, yếu không khinh.


Cải thiện thái độ


1. Tự tin: Có lòng tin, sẽ ung dung, không nhầm lẫn, dễ thành công.
2. Lạc quan: Thắng với bại, nên vui vẻ, có tiến bộ, nói lời hay.
3. Tập trung: Khi học hỏi, tâm nhãn đến, lúc đánh cờ, ngồi ngay ngắn.
4. Kiềm chế: Khi đắc ý, hình chẳng quên, khi nguy hiểm, tâm chẳng loạn.
5. Nỗ lực: Gặp cao thủ, chiến dũng cảm, có ý chí, không khó khăn.
6. Cầu tiến: Xưa ta yếu, nay đã mạnh, càng nỗ lực, mạnh thêm sáng.
7. Biết ơn: Ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ta tiến bộ, công mọi người.
8. Vui khoái: Ba người đi, tất có thầy, người có tốt, mới được vui.
9. Hợp tác: bàn cờ nhỏ, đất trời to, nhìn đại cục, hiểu tổng quát.
10. Nhã nhặn: ngồi thẳng thắn, tay đi nhẹ, có phong độ, người người khen.

Sửa tính cách

1. Ngay thẳng: nên kính cờ, giữ công bằng, học đạo cờ, được nhân phẩm.
2. Tự lập: đã chơi cờ, nên tự lập, chẳng nhờ người, được tính quý.
3. Rõ ràng: muốn thắng cờ, phải rõ ràng, nếu tập trung, sẽ thấy hết.
4. Chăm chỉ: cờ muốn tiến, phải chăm chỉ, luyện tập nhiều, được tiến bộ.


Sáng trí
1. Sức suy nghĩ: xem thời thế, luận thần cơ, cách nghĩ cờ, thật có ích
2. Sức nhớ dai: tập theo mẫu, bày hình cờ, cách nhớ cờ, dùng nhiều chỗ
3. Sức tưởng tượng: Gió gặp mây, rồng vờn hổ, hình của cờ, biến vô cùng
4. Biết Văn-Sử: xương Quan Công, nhà Tạ Công*, sử với cờ, vẫn liên quan


Rõ nghĩa
1. Liên tưởng: Đem cờ so, thông trăm nhà, hiểu ngàn người, rõ cổ kim.
2. Ý nghĩa chung: đem cờ giảng, có biện chứng, đạo rõ lẽ, lẽ rõ nghề
3. Cảnh giới: cảch giới cờ, tâm bình thường, sẽ nhẹ nhàng, bỏ thắng thua
4. Mục đích: chơi cờ để, hiểu xã hội, yêu nhân sinh, được tu dưỡng
Tính chất Thiền trong Cờ Tướng

Tính chất Thiền trong Cờ Tướng


TÍNH CHẤT THIỀN TRONG CỜ TƯỚNG:
(Dựa theo sách "Cờ Tướng nghệ thuật thiền" của Dương Diên Hồng)

Ai cũng thấy người đánh cờ có những biểu hiện:
•Ngồi yên không di động.
•Im lặng không ồn ào.
•Gần như quên mọi thứ xung quanh.
•Tập trung tư duy cao độ liên tục vào vấn đề.
•Tìm mọi cách giải quyết vấn đề (cuộc cờ).
•Gần như "không biết" gì ngoài cuộc cờ •Chỉ vạch ra một con đường quyết tiến.
•Không sợ hãi.
•Không biện luận.

Đánh cờ là một phương pháp :
•Phát triển trực giác.
•Luyện ý chí.
•Tạo dũng khí.
•Biết quên mình.

-Đó là những tính chất thiền trong cờ tướng, cũng giống như Thiền. Hàng ngày hay hàng tuần bạn nên dành chút thời gian đánh vài ván cờ. Ít nhiều bạn sẽ tránh được stress, gạt bỏ được lo toan, ồn ào của cuộc sống, công việc... Đã có nhiều kỳ hữu thức dậy từ 4 giờ sáng đi uống càfê và đánh một vài ván cờ trước khi đi làm. Những ván cờ buổi sáng này chỉ để giải trí. Việc tranh thắng bại không nên đặt nặng - Thắng cũng không vui, mà bại cũng không buồn. Thời gian thư giãn buổi sáng như vậy sẽ làm cho tâm hồn bạn thanh thản và tươi trẻ, trí lực ngày càng mạnh mẽ. Bạn sẽ nhận định tình hình, phán đoán sự việc nhanh chóng, chính xác có hiệu quả.

Đặc biệt thiền trong cờ tướng còn có tính nghệ thuật độc đáo : Đó là TƯ DUY ĐỐI THOẠI. Tư duy trong thiền là độc thoại mà tư duy trong cờ tướng là tư duy đối thoại. Người đánh cờ phải suy nghĩ tính toán biết được cả hai phía - Biết mình và biết người (biết đối phương đang có âm mưu gì - đi con cờ nào? Nước nào? Như thế nào ? Sẽ ra sao ?). Chỉ nhìn vào cuộc cờ mà biết trong đầu đối phương đang toan tính những gì. Ngược lại đối phương cũng theo dõi cuộc cờ mà biết được ta đang có ý đồ gì.


- NGỒI YÊN KHÔNG DI ĐỘNG chứ không bất động tọa thiền.Người đánh cờ không di động nhưng có cử động nghĩa là yên vị (tĩnh) đi cờ (động) - có tĩnh có động, nhờ vậy mà ngồi lâu cả ngày vẫn không mệt mỏi.
- IM LẶNG KHÔNG ỒN ÀO chứ không phải là nín thinh như trong tọa thiền - tức là tìm sự tĩnh mịch, bình yên.
- QUÊN MỌI THỨ XUNG QUANH chứ không vứt bỏ mọi thứ.
- TẬP TRUNG TƯ DUY nhưng không bị bức tường "không biết" chặn lại.
- KHÔNG BIẾT GÌ NGOÀI CUỘC CỜ chứ không phải "không biết".
- KHÔNG BIỆN LUẬN nhưng tranh luận.
- KHÔNG CHỈ VẠCH RA MỘT CON ĐƯỜNG QUYÊT TIẾN mà còn vạch ra con đường thoái thủ (Hòa cuộc). Tức là có cương nhu đầy đủ.

Nhờ có tính nghệ thuật uyển chuyển có tính hai mặt của một sự vật nên người đánh cờ không bị quẫn trí (tẩu hỏa). Còn người tập thiền nếu không có chân sư khai ngộ thì dễ bị quẫn trí vì không vượt qua được bức tường "không biết".

Có thể nói thiền trong cờ tướng là nhập thế hành đạo, còn thiền trong Phật pháp là xuất thế vô vi.

Nói cách khác cờ tướng là bộ môn nghệ thuật có tính chất thiền vì cờ tướng có dấu hiệu, ký hiệu nhất định để diễn tả và truyền đạt tình cảm, tư tưởng của con người đồng thời làm cho con người phần nào vơi bớt phiền não hoặc là quên đi phiền não cuộc đời.

Chính vì trong cờ tướng có tính chất thiền nên người xem (các bậc đạo cao đức trọng - tiên thánh) rất ham mộ nghệ thuật cờ tướng.

Tương truyền hai ông tiên say mê đánh cờ, có người phàm tục lại gần, mà không hay biết, đến lúc phát hiện người lạ, hai ông tiên vội vã biến vào quả quít (Quất). Tựa đề cuốn sách cờ tướng "Quân Trung Bí" là lấy từ điển tích này.

10 NGUYÊN LÝ CHIẾN THẮNG TRONG CỜ TƯỚNG CỦA Á ĐÔNG


- Binh pháp Tôn Tử có 19 thiên, ta có thể rút ra 10 nguyên lý chiến thắng sau đây để vận dụng vào nghệ thuật cờ Tướng:

1. Nguyên lý tiên tri:
- Đấy là sự biết trước, cái biết ở đây thật vô cùng. Ai cũng biết, nhưng cái biết của từng người cũng khác nhau. Kẻ biết ít, người biết nhiều. Chiến tranh ngoài đời nguyên lý tiên tri là yếu tố quyết định chiến thắng
- Cũng có lắm kẻ cái biết này còn quá nông cạn, thậm chí chưa biết hết mình làm sao biết người.
- Muốn biết mình ta phải tự xem xét ta có minh mẫn không, có nhẫn nại, bình tĩnh không, ta có thói quen gì, nhược điểm gì cần phải loại bỏ.
Khi giao đấu ta phải xem xét:
- Ta đắc tiên hay thất tiên.
- Ta đắc thế hay thất thế.
- Ta đắc trí hay thất trí.
- Muốn biết đối, ta phải xem xét họ: Họ có vui vẻ, thoải mái, thích đánh cờ không? Nếu thấy họ đủ những yếu tố tên ta biết họ đang có phong độ cao và sẽ tập trung tư duy tốt. Khi ấy ta phải thận trọng và hết sức cố gắng khi giao đấu. Phải biết nắm bắt tính cách đối phương: Trầm tĩnh, nóng nảy hay lơ đễnh? Họ công thủ có nhuần nhuyễn không?
Họ thường sử dụng chiến lược khai cuộc gì?
Họ sử dụng quân cớ nào xuất sắc nhất?
Họ có thói quen, nhược điểm gì mà ta có thể khai thác được.
- Khi biết rõ mình và biết rõ người rồi thì ta mới có thể đặt ra kế hoạch đúng. Đồng thời mớ có thể phát huy các ưu điểm của ta và khai thác các nhược điểm của đối phương để giành chiến thắng, như Tôn Tử đã nói: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng, chỉ biết mình mà không biết người, mỗi chiến mỗi bại”.

2. Nguyên lý kế hoạch:
- Kế hoạch bao gồm những phương án, những chiến lược, chiến thuật được tính toán kĩ lưỡng để thực hiện nhằm đoạt thắng lợi. Kế hoạch càng chu đáo, mật nhiệm bao nhiêu thì cơ hội thắng càng nhiều bấy nhiêu. Ở cờ tướng, kế hoạch là toàn thể 1 phương án, hay một chiến lược gồm nhiều nước đi, thế đánh được sắp xếp có hệ thống qui vào 1 mục tiêu nhất định và thực hiện trong một thời gian đã tính trước.
- Mỗi nước đi phải nằm trong 1 thế đánh và thế đánh đó phải nằm trong chiến lược có lợi cho kế hoạch đã định ra. Nếu phương án thứ nhất bị bẻ gãy, ta phải tỉnh táo xem xét ý đồ của đối phương. Họ sẽ làm gì? Ở đâu? Ra sao? Sau đó ta lại đặt phương án mới. Vì vậy, ta phải luôn bình tĩnh chống đỡ, cố tìm chỗ sơ hở của đối phương để lập phương án mà phản công kịp thời.

3. Nguyên lý tự nhiên:
- Tự nhiên bao gồm những yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đại thể, thiên thời có sáng, tối, mưa, nắng, gió, bão v. v… Địa lợi có sông, suối, rừng, núi… Nhân hòa là có bạn đồng minh, người cùng chí hướng ủng hộ ta v. v… Ta phải biết tận dụng tự nhiên, đừng chống lại tự nhiên, cũng như hình thể của nước gặp phải chỗ cao nó sẽ tránh (rẽ sang hướng khác) mà đổ xuống thấp, hình thể cuộc hành binh là tránh chỗ mạnh mà công kích chỗ yếu. Trong nên chọn chỗ sáng, dễ quan sát hơn, phía cao hơn, thoáng mát hơn. Chọn phương tiện thích hợp như : Bàn ghế phải vừa tầm nhìn của ta. Nếu bàn quá cao, ghế quá thấp thì như vậy sẽ khó quan sát. Trước ván cờ (nếu đó là ván cờ quan trọng) cần phải có người cổ động, chỉ bảo cho chúng ta thêm vững vàng. Trong lúc giao đấu không nên để cho mọi người xung quanh rì rào bàn tán về ván cờ. Như vậy sẽ mất tập trung, nghĩa là nhân không được hòa.
- Ta phải tập trung lực lượng nhằm vào chỗ yếu, thiếu phòng bị của đối phương mà tấn công.
- Chính diện thường được phòng thủ cẩn mật, trắc diện thường ít phòng bị. Đánh vào chỗ phòng thủ mỏng là dễ thắng.

4. Nguyên lý cầu kỷ:
- Nguyên lý này đòi hỏi lòng tự tin và ý chí quyết thắng. Ta phải luôn đặt mình vào cái thế không thua trước đã. Có nghĩa là khi thấy không thể thắng được thì cố gắng thủ hòa chứ đừng để thua ngược. – “Kẻ thiện chiến biết đứng trên vị trí không thể bị bại mà không mất phần thắng”.
- Khi chơi cờ phải chiếm giữ những vị trí chiến lược quan trọng, không để đối phương khai thác bất cứ một sơ hở nào. Sau đó ta mới tìm cách tấn công đối phương, hoặc vừa thủ vừa công (Thủ để mà công, công để mà thủ). Phải thủ kĩ, tìm mọi cách thắng quân, thắng nước, lấn dần, chiếm dần ưu thế như tằm ăn dâu (ăn ít mà ăn mãi cũng hết nong dâu), đè bẹp đối phương từ từ cho đến khi toàn thắng.

5. Nguyên lý tồn toàn:
- Tồn toàn hiểu nôm na là giữ sao cho trọn vẹn. Ví dụ như cơ thể một người nếu thiếu đi một bộ phận sinh hoạt nào cũng khiến ta khó sinh hoạt và nhất định sẽ yếu thế hơn người toàn vẹn. Các quân cờ là những bộ phận thân thiết của Tướng nên quân cờ nào mất cũng làm Tướng yếu thế, dễ bị vây hãm, đánh bí
- Ở cờ Tướng, tối kỵ là để mất quân (thua quân đối phương), trừ khi đã có kế hoạch nhử cho đối phương ăn quân để ta thắng thế, thắng nước, lợi quân như “Phế Mã tranh tiên”, “Thí Pháo bắt Xe” v. v… lúc nào ta cũng nên bảo toàn lực lượng, cảnh giác việc mất quân. Nếu lực lượng tấn công bị mất một vài quân sẽ giảm hiệu năng kỳ chiến. Nếu lực lượng phòng thủ cũng bị mất đi vài quân như Sĩ, Tượng thì thật khó giữ an toàn cho Tướng. Trong cờ Tướng, có sức mạnh tổng hợp nhờ sự liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau. Nếu còn đủ Sĩ, Tượng thì một Xe khó thắng được. – “Tướng, Sĩ, Tượng toàn đơn Xa bất sát” là như vậy. Trong một ván cờ từ khai cuộc đến kết cuộc hẳn phải có nhiều quân cờ bị mất, nhưng sự hy sinh mất mát đó phải có lợi cho ta (lợi quân hoặc lợi nước) hơn đối phương mới được.

6. Nguyên lý chủ động:
- Chủ động tức là nắm quyền chi phối mặt trận, buộc đối phương chống đỡ theo ý đồ của ta. Trong cờ Tướng, muốn nắm quyền chủ động ta phải có bốn cái thắng sau đây:
Thắng nước (lợi nước đi) . Ví dụ như ta được đi tiên (đi trước).
Thắng quân: Còn nhiều quân chiến đấu hơn đối phương.
Thắng thế: Có thế đánh hay.
Thắng trí: Có sự tính toán sâu xa, kỹ lưỡng nhiều nước đi.
- Nếu đi tiên, ta đã lợi 1 nước thì nên áp dụng các chiến lược tấn công từ khai cuộc, tạo thế tấn công liên tục có hiệu quả (thắng quân, thắng nước hay thắng thế) nhằm áp đảo đối phương để nắm quyền chi phối thế trận ‘luôn luôn đứng trên địa vị chủ động mà hãm đối phương vào thế bị động”. Nếu đi hậu (đi sau), ta phải biết tranh thủ để tạo thế phản công làm chủ thế trận. Ta phải làm cho đối phương mất thế tiên (mai phục bắt quân, hoặc kiên trì thủ làm đối phương mất nhiều nước đi vô bổ, phát hiện sơ hở đối phương, phát hiện sai lầm của đối phương ở những vị trí dễ vây bắt). Ta nhanh chóng lập thế đánh vào những nhược điểm ấy để giành quyền chủ động.
- Nắm được quyền chi phối thế trận (chủ động) là thắng lợi đang nằm trong tay ta.

7. Nguyên lý lợi động:
- Tôn Tử có dạy: “Phải xét thấy có lợi mà thúc đẩy binh sĩ mình, lấy lợi mà dẫn dụ địch nhân”. Phàm ở đời, lợi lộc bao giờ cũng là miếng mồi ngon. Nếu việc gì không đem lại lợi ích thì hiếm ai làm. Nhưng ta phải xem xét cái lợi do ta chủ động làm ra thì nên nhận, ngược lại, không do ta làm ra mà do đối phương đem đến thì phải coi chừng mắc bẫy. Khi đi một quân cờ, ta phải xét thấy có lợi rồi mới đi. Nếu quân cờ ta đi, ăn một quân cờ của đối phương mà không có lợi cho kế hoạch tấn công thì cũng không nên ăn. Trong thế phục thủ, gài cạm bẫy, ta cho đối phương phần lợi nhỏ để mắc cạm bẫy như: Thí Pháo bắt Xe, bỏ mã tranh tiên để làm chủ mặt trận hoặc đánh bí đối phương. Thấy lợi mà ham, không suy xét lợi ấy do đâu mà có, lợi ấy thuộc về ai mà cố giữ sẽ mang họa vào thân. Ta lấy lợi dẫn dụ đối phương thì đối phương cũng lấy lợi dẫn dụ ta. Miếng mồi ấy đang ở trong 1 cái bẫy lớn. Ta đừng dại dôt làm một con vật ham ăn mà chui vào bẫy.

8. Nguyên lý tấn tốc:
- “Việc binh cần phải nhanh như gió, dầy động như sấm sét, xâm chiếm như lửa cháy”. Khi kế hoạch đã định, đã có thể đánh hay thì đừng trì hoãn mà phải vận dụng nguyên lý tấn tốc (đánh nhanh) để đối phương không kịp trở tay. Tôn Tử cũng đã nói: “Phép dùng binh cần phải đánh rất nhanh để thu lấy thắng lợi”. Trong thế tấn công, nguyên lý tấn tốc phải được vận dụng một cách triệt để. Hai xe phải ra thật sớm, tung hoành sát quân, lấn nước dọn đường cho Pháo, Mã, Chốt tấn công chớp nhoáng. Như thế, mỗi quân cờ đi một nước là phải lợi thế, lợi nước, đe dọa đối phương hoặc sát quân hoặc chiếm địa lợi và làm tê liệt sức chiến đấu của đối phương. Ta phải thấy được chỗ nào đối phương ít quân, sơ hở, thiếu phòng bị rồi dùng đường tiến quân ngắn nhất, nhanh nhất. Để đoạt mục tiêu, người đánh cờ phải có mắt nhanh, tâm nhanh và tay nhanh. Mắt phải nhìn thấy sơ hở của đối phương, tâm trí phán đoán, tính ngay phương án đối phó.

9. Nguyên lý bí mật:
- Khi đánh cờ, bàn cờ, quân cờ hai bên đều đều ngang nhau, các vị trí sơ khởi, các quân cờ cũng như nhau, được bày ra trước mắt mọi người. Cái bí mật ở đây là quân nào cũng bày ra hết mà nhiều thế đánh hiểm hóc của đối phương ta không thấy được. Nhiều thế mai phục bắt quân, ta cũng không hề biết, các quân cờ của ta sắp mất đến nơi ta cũng không hay. Như vậy chính là do đối phương biết cách che đậy, giấu kín những kế hoạch để ta không ngờ, không biết. Bí mật là ở chỗ đó.
- Người cao cờ không chỉ tính được nhiều nước đi mà còn biết giữ kín mọi mưu kế, thế đánh hay, không để cho đối phương phát hiện nghĩa là “Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”. Tấn công chỗ địch không phòng bị, xuất binh khi địch không chú ý. Đây cũng là 1 nguyên nhân làm nên chiến thắng.
- Người đánh cờ có nhiều khi không thấy được đường đi, thế đánh của đối phương là do trí xét đoán không sâu, không kỹ. Do đó, không thấy được sự an nguy của mình. Đôi khi bị thua là do không chú ý phòng bị, không tập trung tư duy liên tục, chứ không phải là ta không am tường nghệ thuất cờ Tướng.
- Cũng có trường hợp do bị người ở ngoài mách nước làm lộ bí mật của ta nên đối phương có đủ thời gian điều quân chống đỡ hoặc phản công trở lại. Để chiến thắng khi đánh cờ, ta nên lưu ý vận dụng nguyên lý bí mật.

10. Nguyên lý biến hóa:
- Trong cờ Tướng biến hóa vô cùng, không có một ván cờ nào giống nhau. Cờ Tướng có nhiều chiến lược, chiến thuật, nhiều thế đánh độc đáo, phức tạp. Đã vậy, khi đánh cờ người ta lại còn sáng tạo, nghĩ ra nhiều thế đánh mới nữa. Do đó, sự biến hóa trong cờ Tướng là không thể nói hết được. Người ta đánh cờ càng tập trung tư duy sáng tạo thì càng có nhiều thế đánh hay, biến ảo khôn lường, càng chắc thắng. Công, thủ phải nhuần nhuyễn. Từ phòng thủ chuyển sang tấn công và ngược lại từ tấn công chuyển sang phòng thủ phải thông suốt, tạo cho thế trận biến hóa khôn lường làm cho đối phương có mắt cũng như mù thì cơ thắng cầm trong tay. Trong binh pháp có nói: “Sự biến hóa của kỳ và chánh là không thể cùng được. Kỳ và chánh sinh nhau ra như một quy luật tuần hoàn không nguồn gốc, ai có thể biết cho cùng được”. Chánh ở đây là những quân cờ thuộc bộ phận tấn công như Xe, Pháo, Mã, Tốt. Kỳ ở đây là các quân cờ thuộc bộ phận tấn công như Sĩ, Tượng (Bồ). Tuy nhiên ta có thể bố trí các quân cờ tấn công làm nhiệm vụ phòng thủ giúp Sĩ, Tượng bảo vệ hữu hiệu cho Tướng. Ta cũng có thể sử dụng lực lượng chánh binh kết hợp với kì binh để tấn công vào một mục tiêu đã định.
- Cờ Tướng biến hóa vô cùng, càng cao cờ càng phải hết sức khiêm tốn, vì không ai dám tự hào là mình là người đã thâu tóm được hết mọi biến hóa kì ảo của nghệ thuật cờ Tướng. Hơn nữa tài năng cũng phát triển có chu kì như trăng tròn rồi lại khuyết. Có khi nào trăng tròn mãi hay khuyết mãi đâu?